Giỏ hàng

Brew bar – thiên đường của các phương pháp pha cà phê thủ công

27/03/2024
Tin tức

Nhiều năm trở lại đây, mô hình kinh doanh và phục vụ cà phê đã có nhiều sự thay đổi. Tự những năm 2012 trở đi, chúng ta đã bắt đầu quen với những cụm từ “cà phê sạch”, “cà phê nguyên chất”, “cà phê take away” rồi đến những năm gần đây là “cà phê pha máy”, “xe cà phê pha máy”…. Vậy, sắp tới chúng ta sẽ có mô hình “cà phê…” nào tiếp theo đây?


Đó là Brew bar. Thực ra mô hình này không phải là quá mới so với thế giới. Nếu bạn có dịp du lịch ở các nước châu Âu như Tây Ban Nha, Pháp, Úc hay Mỹ, bạn sẽ thấy chữ “Brew Bar” được in, khắc hay thậm chí viết tay trên các bảng hiệu của các quán cà phê rất nhiều. Mô hình này chưa có nhiều tại Việt Nam, nên có lẽ bạn sẽ ít được nghe nhắc đến.


Vậy thì brew bar là gì và điểm khác biệt cơ bản ra sao so với các quầy cà phê mà trước đây chúng ta thường thấy?


Sự khác biệt cơ bản nằm ở chỗ cà phê được làm từ các quầy brew bar sẽ pha chế bằng những phương pháp mà tôi tạm gọi là “thủ công” được chú trọng hơn chứ không phải dùng máy pha espresso. Các phương pháp thủ công ấy có thể là pha V60, Chemex, Frenchpress, Cold brew hoặcAero presscùng nhiều cách pha chế khác nhau nữa. Sở dĩ chúng ta gọi các phương pháp này là “thủ công” là vì các giai đoạn pha chế tốn khá nhiều thời gian, công sức và kiến thức để cho ra một ly cà phê ngon.



Bạn thấy đó, như đã được giới thiệu ở trên là những ly cà phê này được pha chế rất công phu và tốn thời gian, và thời gian là tiền bạc, nghĩa là giá của những ly cà phê này cũng sẽ cao hơn những ly cà phê thông thường mà bạn gọi ở các xe cà phê mang đi, dù pha phin hay pha máy.


Trong quá trình pha và ngay cả sau khi pha, các barista hoặc baristi là những người pha cà phê (hoặc có thể được gọi là nghệ nhân pha cà phê) sẽ luôn sẵn sàng để chia sẻ với bạn kiến thức về cà phê và cách pha chế liên quan đến ly cà phê của bạn. Cho nên, họ sẽ không ngần ngại mà vui vẻ trả lời những câu hỏi của bạn như “đây là loại cà phê gì? Trồng ở đâu? Hương vị đặc trưng thế nào?”. Hoặc nếu bạn có kiến thức pha chế tốt hơn, bạn có thể hỏi những câu tạm gọi là chuyên sâu hơn như “tỷ lệ nước và cà phê là bao nhiêu? Vì sao có tỉ lệ đó? Nhiệt độ nước thế nào?....”. Trả lời đúng hay sai thì chưa biết, nhưng chắc chắn là các bạn barista rất vui lòng trả lời bạn.


Hình ảnh của Guillaume Gaudet tại quán Stumpton Coffee, Brooklyn


Vì pha chế công phu, mất thời gian và công sức, cho nên giá của một ly cà phê ở đây cũng không rẻ. Ví dụ, một ly cà phê bình thường bạn mua ở các cửa hàng cà phê mang đi có giá từ 10,000đ – 16,000đ/ly nhưng những ly cà phê pha thủ công bao giờ cũng có giá 50,000đ, 60,000đ hay 80-90,000đ/ly.

Ngoài việc pha bằng tay, công phu thì còn điểm thu hút nào nữa không? Có, chắc chắn, đó là hương vị của cà phê.


Các phương pháp pha cà phê thủ công sẽ mang lại các hương vị phong phú hơn của cà phê cho bạn. Bạn có thể cảm nhận được các mùi hương phức tạp của cà phê như mùi trái cây, mùi cam, mùi mận hay thậm chí mùi rượu….


Tạm kết luận, Brew bar là một loại hình kinh doanh cà phê tập trung vào cảm nhận, trải nghiệm cà phê của khách hàng nhiều hơn, phát triển sản phẩm theo chiều sâu và đây sẽ là xu hướng sắp tới trong lĩnh vực kinh doanh cà phê.


Đứng trên phương diện khách hàng, mô hình brew bar nâng tầm thưởng thức cà phê lên một mức độ mới. Đối tượng khách hàng của mô hình này là những người cũng có đam mê về thưởng thức hương vị và có hiểu biết về cà phê.


Đứng trên phương diện người kinh doanh, đây là mô hình mới trong lĩnh vực kinh doanh cà phê, nhưng để có thể thực hiện và thành công, bạn sẽ phải tốn công sức và tiền bạc rất nhiều trong việc nghiên cứu và thực hiện từ sản phẩm cho đến quy trình hoạt động.
 

Bài viết được thực hiện bởi Nguyên Trang Coffee, đăng tại www.nguyentrangcoffee.com  Vui lòng trích dẫn nguồn nếu sử dụng hoặc trích dẫn nội dung bài viết.  

NGUYÊN TRANG COFFEE _THƯƠNG HIỆU CỦA UY TÍN, CHẤT LƯỢNG VÀ CAM KẾT BỀN VỮNG

☎️ 0357999375

Chia sẻ

Bài viết